Hội nghị và Triển Lãm Quốc Tế “Air Freight Logistics Vietnam” là sự kiện lớn và duy nhất về vận tải Hàng Không và được Hiệp hội Doanh Nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam(VLA),Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) phối hợp với Công ty Truyền Thông Logistics Việt Nam(VLM) tổ chức 2 năm 1 lần tại Việt Nam. Đây là nơi quy tụ hơn 400 doanh nghiệp, hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sử dụng và cung cấp dịch vụ Logistics đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong nước và quốc tế.
“Air Freight Logistics Vietnam 2019”: Một bức tranh toàn cảnh của ngành Logistics Hàng không Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sẽ được tái hiện qua những chia sẽ của hơn 20 diễn giả hàng đầu trong ngành Logistics đến từ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, dự kiến sự có mặt của Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh với bài tham luận về chuyên đề “The Industry 4.0 – The good Opportunity”. Đồng thời có sự tham dự của đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Tổng Cục Hải quan, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận FIATA.
Thảo luận về Logistics Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Tại Hội nghị, hơn 20 diễn giả hàng đầu trong ngành logistics quốc tế đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ về bức tranh toàn cảnh của ngành vận tải hàng không Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thông qua các chủ đề chính như: Vận tải hàng không và thương mại quốc tế trong kỷ nguyên 4.0; Logistics HUB: Xu hướng mới và cơ hội mới; Thương mại điện tử quốc tế: vận tải hàng không với dịch vụ giao hàng đến tay người tiêu dùng; Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành vận tải hàng không …
Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng – Vụ vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng thế giới thay đổi nhanh, biến đổi linh hoạt, cạnh tranh cao đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho vận tải hàng không Việt Nam, trong đó có ngành logistics hàng không. Hiện nay nước ta có 15 loại hình vận tải, đường hàng không chiếm tỉ phần khoảng 1,06% thị phần.
So với đường bộ, vận tải hàng không chiếm tỉ phần thấp, tuy nhiên ngành hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa giá trị cao, quãng đường dài trong thời gian nhanh nên vẫn mang lại giá trị lớn. Dự đoán đến năm 2035, hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là cơ hội cho hàng hàng không, doanh nghiệp logistics hàng không phát triển.
Có thể hưởng lợi từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu
Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tốc độ tăng trường của thị trường thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam trở thành trung tâm vận tải hàng hoá bằng hàng không của khu vực.
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air chia sẻ câu chuyện từ 8 năm trước, khi hãng nhận vận chuyển hàng hoá đến Hoa Kỳ hay châu Âu đều phải quá cảnh ở Singapore hay Hồng Kông. Bởi, Việt Nam không có chuyến bay thẳng đến các quốc gia này.
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD và dự kiến đạt 33 tỷ USD vào năm 2025.
Nếu dự đoán này thành hiện thực, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
“Tổng giám đốc Lazada Việt Nam từng cho tôi biết, họ tăng trưởng 250%/năm. Với quy mô thị trường khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020 sẽ trở thành cơ hội quá lớn cho ngành hàng không trong vận chuyển hàng hoá”, ông Đỗ Xuân Quang chia sẻ.
Chỉ 0,23% hàng hoá được vận chuyển bằng hàng không
Theo số liệu của Cục hàng không Việt Nam, năm 2018, sản lượng hàng hoá qua đường hàng không đạt gần 1,5 triệu tấn (tăng gần 13%) so với năm 2017. Trong đó, gần 400 nghìn tấn hàng hóa được vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam.
Ngoài 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines và VASCO, thị trường còn có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ khác.
Thách thức từ cơ sở hạ tầng
Kinh nghiệm từ vị trí giám đốc phát triển kinh doanh sân bay vận tải hàng hoá Liege (Bỉ), ông Steven Verhasselt cho rằng, quốc gia nào muốn trở thành trung tâm vận tải hàng hoá bằng đường hàng không cần định hình chiến lược rõ ràng, đặc biệt trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Tháng 06/2019, hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có buổi làm việc cùng UBND Thành phố Cần Thơ về việc đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hàng không, dự kiến khoảng 30 hecta tại thành phố Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư khoảng 33 triệu USD.
Vietnam Airlines kỳ vọng, việc đầu tư xây dựng trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ không những thúc đẩy sự phát triển dịch vụ logistics của cả khu vực Tây Nam Bộ mà còn góp phần giảm tải cho Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành sau này, cũng như thúc đẩy kinh tế-thương mại tại Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long.
“Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng và tiềm năng phát triển logistics hàng không vào loại cao nhất trên thế giới. Nhưng để ngành thực sự phát triển theo hướng hiện đại và bài bản, cả Nhà nước và doanh nghiệp đều cần có chiến lược đúng đắn, rõ ràng và có quyết tâm”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói.